Người mắc đái tháo đường có nguy cơ cao hơn về sức khỏe răng miệng do đường huyết cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh răng miệng và ảnh hưởng đến kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là bệnh nha chu
Bệnh đái tháo đường và liên hệ với bệnh răng miệng
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ nguyên nhân khiến người mắc đái tháo đường dễ mắc bệnh răng miệng là lượng đường trong máu thường cao. Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và gây tổn thương cho các cơ quan, trong đó có răng miệng.
Một số bệnh răng miệng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường là sâu răng. Nguyên nhân là do người bệnh mắc đái tháo đường có xuất tiết nước bọt ít, dẫn đến khô miệng, gây mảng bám trên răng dễ gây sâu răng.
Tiếp theo là viêm nướu răng do mảng bám vi khuẩn trên răng. Nếu không chăm sóc đúng cách, mảng bám sẽ khoáng hóa thành cao răng, kích thích nướu gây viêm nướu và chảy máu khi chải răng, là dấu hiệu đầu tiên của viêm nướu.
Người bệnh đái tháo đường cũng dễ mắc viêm nha chu khi viêm nướu không được điều trị kịp thời, dẫn đến viêm nha chu. Giai đoạn này, tổn thương lan rộng tạo thành túi nướu chứa vi khuẩn và mủ, làm phá huỷ xương và các mô nâng đỡ răng, gây lỏng răng, thưa răng và rụng răng. Nhiễm trùng cũng có thể nặng hơn và vết thương chậm lành hơn so với người bình thường do hệ thống miễn dịch kém.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường còn dễ mắc bệnh nấm miệng (nấm candida). Nguyên nhân là do nấm có sẵn trong miệng phát triển mạnh hơn, gây ra các triệu chứng như đau, có đốm trắng hoặc đỏ trên lưỡi, niêm mạc miệng, vòm miệng, tạo thành vết thương hở. Lượng đường máu cao cũng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Vệ sinh răng miệng đúng cách hoặc sử dụng thuốc kháng nấm được chỉ định bởi bác sĩ có thể giúp loại bỏ các loại nấm này.
Nguyên tắc chăm sóc răng miệng cho người bệnh đái tháo đường
Theo bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM ngoài việc tuân thủ ăn uống và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện 3 nguyên tắc sau để bảo vệ chăm sóc răng miệng:
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại cơ sở y tế để kiểm soát lượng đường trong máu, giúp ổn định bệnh đái tháo đường và phòng ngừa bệnh nha chu và sâu răng. Cần khám răng định kỳ ở phòng khám răng để phát hiện sớm những vấn đề về răng miệng.
Khi phát hiện vấn đề răng miệng như chảy máu nướu, đỏ lợi, đau răng, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng biện pháp điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tổn thương đến sức khỏe.
Chăm sóc răng miệng đúng cách tại nhà bao gồm chải răng đều đặn hàng ngày, dùng bàn chải có đầu nhỏ và lông mềm, dùng chỉ tơ nha khoa và dung dịch súc miệng có chất sát khuẩn sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và làm sạch miệng. Nếu hút thuốc lá, cần ngừng vì hút thuốc tăng nguy cơ mắc viêm nha chu và nhiễm nấm miệng, cũng như gây hại cho sức khỏe tổng quát.
Chuyên gia Kỹ thuật phục hình răng lưu ý việc kiểm soát đường huyết là rất quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường và giảm nguy cơ mắc các biến chứng, bao gồm bệnh mắt, bệnh tim và tổn thương thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng khác như bệnh nha chu. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng đúng cách, tái khám răng định kỳ và làm sạch răng, lấy vôi răng đều rất quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường để bảo vệ sức khỏe răng miệng và hạn chế các vấn đề liên quan đến nha chu.